TIẾP NHẬN THÔNG TIN PHẢN ÁNH VÀ CÔNG BỐ DANH SÁCH WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ BỊ PHẢN ÁNH VỀ VIỆC CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT

Thứ Hai, 01/08/2022 - 10:31
Đọc bài viết In bài E-mail - + - +

Tham gia thị trường thương mại điện tử (sau đây gọi là TMĐT) với việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ qua các website TMĐT đã trở thành hoạt động phổ biến của doanh nghiệp và cộng đồng. Vì mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, Nhà nước đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy phát thị trường thương mại điện tử nói chung và website thương mại điện tử nói riêng. Tuy nhiên, không vì vậy mà việc quản lý các hoạt động của website thương mại điện tử bị buông lỏng. Thông qua xây dựng các hành lang pháp lý, Nhà nước hướng đến một môi trường website thương mại điện tử minh bạch, quy chuẩn, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Để việc quản lý hoạt động thương mại trên website TMĐT hiệu quả, ngoài việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp đăng ký, sử dụng website TMĐT, Nhà nước cũng rất nghiêm khắc trong việc phát hiện và xử lý các website có hành vi vi phạm pháp luật với sự phối hợp của nhiều cơ quan có thẩm quyền và người tiêu dùng. Ngày 05/12/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định về quản lý Website thương mại điện tử, trong đó có quy định nội dung tiếp nhận thông tin phản ánh và công bố danh sách website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

I. Công bố Danh sách các website thương mại điện tử vi phạm quy định của pháp luật

Căn cứ theo Điều 30 của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về việc công bố danh sách các website thương mại điện tử vi phạm quy định của pháp luật như sau:

1. Bộ Công Thương công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các website thương mại điện tử vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP[1] và các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử.

2. Thông tin công bố bao gồm:

a) Tên website thương mại điện tử;

b) Tên và thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website;

c) Hành vi vi phạm của thương nhân, tổ chức, cá nhân.

II. Tiếp nhận thông tin phản ánh và công bố danh sách website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Căn cứ theo Điều 31 của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc tiếp nhận thông tin phản ánh và công bố danh sách website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật như sau:

1. Bộ Công Thương tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi sau trên website thương mại điện tử[2]

a) Vi phạm các quy định về thông báo và đăng ký website thương mại điện tử;

b) Vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP[3];

c) Vi phạm các quy định về trách nhiệm của người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP[4];

d) Vi phạm các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn thanh toán trong thương mại điện tử tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;

đ) Các vi phạm khác quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

2. Thời hạn trả lời phản ánh[5]

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân thực hiện phản ánh nhận trả lời của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã cung cấp về một trong các nội dung sau:

- Xác nhận thông tin phản ánh đầy đủ, hợp lệ và được tính vào số lượng phản ánh quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 31 Thông tư số 47/2014/TT-BCT;

- Thông báo thông tin phản ánh không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin.

3. Công bố thông tin phản ánh đối với một website thương mại điện tử trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử[6]

a) Website thương mại điện tử có trên 5 (năm) ý kiến phản ánh từ các tổ chức, cá nhân khác nhau về một hoặc nhiều hành vi nêu tại Khoản 1 Điều này sẽ nhận được thông báo của Bộ Công Thương yêu cầu giải trình về những ý kiến phản ánh nói trên.

b) Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình của Bộ Công Thương, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử không phản hồi hoặc không giải trình được về các ý kiến phản ánh, thì website đó sẽ bị đưa vào danh sách website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

III. Quy trình gửi phản ánh website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Khi thực hiện phản ánh, tổ chức, cá nhân phải cung cấp các thông tin tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư 47/2014/TT-BCT và thực hiện các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh tranh chấp trực tuyến của Bộ Công Thương theo đường link: http://chonghanggia.online.gov.vn/

Bước 2: Tại trang chủ, chọn loại phản ánh "Phản ánh website chưa đăng ký, thông báo" (1) nếu website bị phản ánh chưa đăng ký, thông báo hoặc chọn "Phản ánh website có dấu hiệu vi phạm khác" (2) nếu website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm khác.

Bước 3: Sau khi chọn loại phản ánh, nhập đầy đủ các trường thông tin người phản ánh ở mục 1

            Bước 4: Nhập đầy đủ thông tin Website phản ánh ở mục 2

             - Chọn loại phản ánh

+ Đối với website chưa đăng ký, thông báo: Chọn phản ánh chưa đăng ký thông báo. Cụ thể như hình:

+ Đối với website có dấu hiệu vi phạm khác: Lựa chọn một trong các loại phản ảnh phù hợp với hành vi có dấu hiệu vi phạm hiện hữu trên website. Cụ thể như hình sau:

           Bước 5: Sau khi nhập đầy đủ thông tin, chọn GỬI PHẢN ÁNH để hoàn tất quá trình!

           * Chú thích: Các văn bản quy phạm pháp luật đính kèm

             Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014

             Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013

             Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021

Thanh Hoài - Thanh tra Sở


[1] Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

[2] khoản 1 Điều 31 Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử;

[3] Quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Cụ thể: Bãi bỏ cụm từ " đã được cấp phép" tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (chi tiết xem văn bản đính kèm);

[4] Một số quy định về trách nhiệm của người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ (chi tiết xem văn bản đính kèm);

[5] khoản 3 Điều 31 Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử;

[6] khoản 4 Điều 31 Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử.


Đánh giá: